Tiến về Sài Gòn
"Tiến về Sài Gòn" | |
---|---|
Bài hát của Quang Hưng | |
Ngôn ngữ | Tiếng Việt |
Phát hành | 1967–1975 |
Thể loại | Nhạc đỏ Hành khúc |
Hãng đĩa | Đài Tiếng nói Việt Nam |
Sáng tác | Lưu Hữu Phước |
"Tiến về Sài Gòn" là một ca khúc nhạc đỏ Việt Nam do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác. Ca khúc được viết năm 1966, trong bối cảnh Chiến tranh Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam có kế hoạch tiến về Sài Gòn chờ thời cơ tiến công. Năm 1967, ông gửi bài hát cho nghệ sĩ Quang Hưng thu âm làm hai băng để chuẩn bị cho cuộc tấn công Tết Mậu Thân. Tuy nhiên, một băng bị thất lạc trong sự kiện này, băng còn lại được nhạc sĩ cất giữ cẩn thận và được phát thanh tại Sài Gòn vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Quang Hưng cũng là người đầu tiên thể hiện ca khúc, ông đã trình diễn ca khúc khi lưu diễn tại nhiều nước xã hội chủ nghĩa. Bài hát sau này đã được sử dụng trong nhiều đêm nhạc, sân khấu, chương trình nghệ thuật lớn nhỏ trên cả nước và là nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong một giai đoạn.
Hoàn cảnh
[sửa | sửa mã nguồn]Sau một thời gian làm Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước được cử giữ chức Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng vào năm 1966.[1] Trong giai đoạn này, Hoa Kỳ tham chiến vào miền Nam Việt Nam. Lưu Hữu Phước khi đó làm việc với một số nhạc sĩ, cán bộ, trí thức và được biết kế hoạch của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam là "tiến về đồng bằng", theo đó quân giải phóng sẽ "ém quân", tiến về Sài Gòn, chờ thời cơ đánh vào nội thành tạo điều kiện cho người dân nổi dậy. Tháng 4 năm 1966, ông viết bản nhạc "Tiến về Sài Gòn".[2] Có thông tin cho rằng ông đã "thai nghén" bài hát này từ năm 1960 khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời.[3]
Năm 1967, khi ra miền Bắc, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước gửi ca khúc này cho nghệ sĩ Quang Hưng và dặn nghệ sĩ này tập bằng cả hai giọng miền Nam và miền Bắc, để đến ngày tiếp quản Sài Gòn sẽ thu thanh rồi phát sóng cho đồng bào hai miền nghe.[3] Quang Hưng chỉ mất hai ngày để tập xong ca khúc, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước chấp nhận và sau đó nghệ sĩ thu âm tại Đài tiếng nói Việt Nam, với một băng thu giọng miền Bắc và một băng thu giọng miền Nam, không hề biết ý đồ của Lưu Hữu Phước sáng tác chuẩn bị cuộc tổng tiến công Mậu Thân của quân giải phóng.[4][5] Lưu Hữu Phước sau đó giao một cuốn băng cho nhóm chiến sĩ chiếm Đài phát thanh Sài Gòn nhưng thất bại, băng nhạc cũng bị mất.[6][5] Cuốn băng còn lại, ông cẩn thận cất giữ, giấu trong thùng gạo,[7] và vào chiến dịch Hồ Chí Minh ông lại trao cho một cánh quân, đánh chiếm Đài phát thanh Sài Gòn và phát trên sóng của đài này vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.[4][6] Bản nhạc "Tiến về Sài Gòn" vang trên sóng Đài phát thanh Sài Gòn vào lúc 12 giờ 15 phút ngày 30 tháng 4, và ngay sau đó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.[a][10][5] Khi Quang Hưng nghe bài hát này trên sóng đài Sài Gòn trong ngày 30 tháng 4, lần đầu tiên kể từ khi thu thanh bài hát năm 1967, ông mới được nghe bài hát này do chính mình hát.[4] Quang Hưng chính là người đầu tiên thu âm và thể hiện ca khúc.[5]
Đón nhận
[sửa | sửa mã nguồn]Sau khi Quang Hưng thu âm ca khúc, ông cùng một đoàn nghệ thuật của Việt Nam lưu diễn tại tám nước trong khối xã hội chủ nghĩa.[4] Tại Trung Quốc, Tổng lý Quốc vụ viện Chu Ân Lai lên tặng hoa và nói "Chúc các đồng chí sớm tiến về Sài Gòn", đồng thời cho người mang 10 hòm súng AK gồm 50 khẩu tặng cho 50 thành viên trong đoàn.[5] Tại Cuba, Fidel Castro được cho là ưa thích bài hát này khi Quang Hưng trình diễn và một nghệ sĩ người Anh tên Ewan MacColl tập bài "Tiến về Sài Gòn" và đổi lại, dạy Quang Hưng hát bài "Bài ca Hồ Chí Minh" (The Ballad of Ho Chi Minh). Về Việt Nam, ông thu thanh "Bài ca Hồ Chí Minh" trên Đài Tiếng nói Việt Nam và biểu diễn ở khắp nơi, trong khi Ewan mang "Tiến về Sài Gòn" về Anh.[4][5]
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập và Dương Văn Minh đầu hàng, bài "Tiến về Sài Gòn" được phát trên cả Đài tiếng nói Việt Nam và Đài phát thanh Sài Gòn.[4][5] Ca khúc được chọn làm nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cùng với bài "Đất nước trọn niềm vui" của nhạc sĩ Hoàng Hà.[11][12] Bài hát sau này được hát tại nhiều đêm nhạc, sân khấu, chương trình nghệ thuật và chính luận lớn nhỏ tại Việt Nam, đặc biệt trong các dịp kỷ niệm sự kiện 30 tháng 4 năm 1975.[13] Năm 2025, trong một chương trình chào mừng kỷ niệm 50 năm thống nhất Việt Nam tại Hà Nội, Đông Hùng đã thể hiện một bản mashup giữa "Tiến về Sài Gòn" và "Đất nước trọn niềm vui", trong đó có kết hợp bản thu gốc của "Tiến về Sài Gòn" được phát vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.[14]
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]Ghi chú
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Thời gian Duơng Văn Minh đọc lời đầu hàng Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam là 12 giờ 20 phút giờ Hà Nội, 13 giờ 20 phút giờ Sài Gòn lúc đó.[8] Sau đó, ca khúc "Nối vòng tay lớn" đã được Trịnh Công Sơn thể hiện trên sóng đài và là ca khúc đầu tiên phát trên Đài phát thanh Sài Gòn sau khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.[9]
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Mai Văn Bộ 1998, tr. 9
- ^ Hà Thi (ngày 28 tháng 4 năm 2020). "Tiến về Sài Gòn như định hướng báo trước!". Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 10 năm 2024. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2025.
- ^ a b Thôn Ca (ngày 10 tháng 11 năm 2023). "Những hiểu lầm về một số ca khúc nổi tiếng". Báo Công an nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2025.
- ^ a b c d e f Thanh Hằng (ngày 30 tháng 4 năm 2015). "Chuyện về người thể hiện ca khúc 'Tiến về Sài Gòn'". Báo Công an nhân dân. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2025.
- ^ a b c d e f g Phạm Thành Nghị (ngày 30 tháng 4 năm 2011). "Nghệ sĩ ưu tú Quang Hưng, người đầu tiên hát bài "Tiến về Sài Gòn"". Báo Dân Trí. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2025.
- ^ a b Nguyễn Đình San (ngày 31 tháng 5 năm 2019). "Bài hát "Tiến về Sài Gòn" ra đời khi nào?". Báo Công an nhân dân. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2025.
- ^ "NSƯT Quang Hưng: 'Tôi không day dứt điều gì'". VnExpress. ngày 22 tháng 12 năm 2002. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2025.
- ^ Xem các nguồn:
- Tiến Dũng (ngày 30 tháng 4 năm 2011). "Buổi phát thanh lịch sử tại Sài Gòn trưa 30/4/1975". VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2025.
- Ninh Nguyễn (ngày 29 tháng 4 năm 2014). "Chuyện qua ảnh". Báo Nhân Dân. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2025.
- ^ Xem các nguồn:
- Lê Nguyệt Minh (ngày 26 tháng 4 năm 2015). "Ký ức của người hát Tiến về Sài Gòn". Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2025.
- Bảo Ngân (ngày 11 tháng 4 năm 2025). ""Khúc cua" đẹp nhất của người lính xe tăng 390". Báo Văn Hóa. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2025.
- ^ Hoa Quỳnh (ngày 30 tháng 4 năm 2022). "2 bài hát đặc biệt về ngày Giải phóng miền Nam của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước". Báo Sức khỏe & Đời sống. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2025.
- ^ Quang Hải, Lưu Hữu Phước – một tác giả hàng đầu của thể loại chính ca. Xem Mai Văn Bộ 1998, tr. 50
- ^ "Xã luận: 35 năm, âm vang mãi bản hùng ca quyết thắng". Báo Sài Gòn Giải Phóng. ngày 30 tháng 4 năm 2010. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2025.
- ^ Xem các nguồn:
- T.N.V (ngày 13 tháng 4 năm 2004). "Tiến về Sài Gòn - Đất nước trọn niềm vui". Báo Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 4 năm 2025. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2025.
- "Đêm nhạc 'Bài ca thống nhất' - bức tranh đẹp về một thời hào hùng của dân tộc". Báo Thể Thao & Văn Hóa. ngày 7 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2025.
- Vương Hà (ngày 13 tháng 4 năm 2015). "Đêm nhạc hội ngộ các thế hệ vàng của dòng ca khúc cách mạng". Báo Quân đội nhân dân. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2025.
- Thúy Bình (ngày 27 tháng 4 năm 2021). "Chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ 30-4 và 1-5 "Bản hùng ca của mùa xuân đại thắng"". Báo Sài Gòn Giải Phóng. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2025.
- Xuân Khu (ngày 22 tháng 12 năm 2023). "Âm vang chương trình nghệ thuật "Vang mãi khúc quân hành"". Chính sách và Cuộc sóng–Thông tấn xã Việt Nam. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2025.
- Văn Hà (ngày 2 tháng 7 năm 2024). "NSND Tạ Minh Tâm,Phạm Trang,Hiền Thục,... biểu diễn tại đêm nhạc 'Tự hào thành phố mang tên Người'". Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2025.
- ^ Lê Chi (ngày 25 tháng 4 năm 2025). "'Khúc ca khải hoàn' tái hiện 2 bản tin chiến thắng, xúc động thời khắc lịch sử". Báo điện tử VTC. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2025.
Thư mục
[sửa | sửa mã nguồn]- Mai Văn Bộ (1998), Lưu Hữu Phước – Sự nghiệp âm nhạc, Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Trẻ
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- "Bài hát "Tiến về Sài Gòn" ra đời khi nào?". Báo Bình Định. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 5 năm 2020. Truy cập ngày 30 tháng 3 năm 2017.
- "Tiến về Sài Gòn (Lưu Hữu Phước) - NSUT Quang Hưng". YouTube.
- "Tiến Về Sài Gòn (Thu thanh trước 1975) - Tốp ca Đài Tiếng nói Việt Nam". YouTube.